CÔNG TY TƯ VẤN LUẬT BÙI TRỌNG HIỂN    Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2013    Danh mục các Luật, Pháp lệnh và Nghị quyết được Quốc hội ban hành từ năm 1945 đến nay    Hạn chế tiêu cực, cần luật hóa “bút phê”?    “Cuộc chiến” con ruồi trong chai nước    Tập thơ Bóng Thời Gian - Thi sĩ Bùi Văn Cang   
DANH MỤC PHÁP LUẬT

Luật Sư Toàn Cầu

Tư vấn Luật

Văn bản Luật

Tin tức Pháp luật

Pháp luật cười

L. hệ Luật sư

Thơ & Nhạc

Tuyển dụng

TIN TỨC PHÁP LUẬT MỚI
THÔNG TIN LIÊN HỆ

CÔNG TY LUẬT BÙI TRỌNG HIỂN
ÐC: 223 Đinh Bộ Lĩnh - P.26 - Q.Bình Thạnh - TP.HCM
ĐT: 0913.15.33.15 - 0913.748.948
Email: luatsutoancau@yahoo.com
luatsuhien007@gmail.com

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Khách trực tuyến : 2
Cho ‘giới thứ ba’ chuyển đổi giới tính

(www.luatsutoancau.com)

Cho ‘giới thứ ba’ chuyển đổi giới tính

Thứ năm 05/02/2015 02:35

 (PL)- Có nên cho phép “giới thứ ba” chuyển đổi giới tính? Người ủng hộ thì bảo cho phép sẽ giúp họ hạnh phúc, người phản đối thì lo hệ lụy xấu về sức khỏe, tâm lý, pháp lý…

Chiều 4-2, trong hội thảo góp ý hoàn thiện các quy định liên quan đến quyền của các nhóm yếuthế do Bộ Tư pháp và dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức, vấn đề xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính đã được đưa ra mổ xẻ.

Nên cho phép chuyển giới?

Hiện nay, Điều 36 BLDS 2005 quy định “cá nhân có quyền được xác định lại giới tính”. Tuy nhiên, việc xác định lại giới tính của một người chỉ được thực hiện trong trường hợp người đó “có giới tính bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính”. Từ đó, Nghị định 88/2008 của Chính phủ đã nghiêm cấm việc chuyển đổi giới tính cho những người có cơ thể hoàn chỉnh mà muốn sử dụng phẫu thuật để chuyển đổi giới tính.

Tại hội thảo, đại diện nhóm LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới) đề nghị coi việc phẫu thuật để chỉnh sửa khiếm khuyết của những người bị khuyết tật bẩm sinh về cơ quan sinh dục khiến việc xác định giới tính không rõ ràng là “xác định lại giới tính”. Còn “chuyển đổi giới tính” là dành cho người có cơ thể hoàn toàn bình thường, không bị dị tật nhưng về mặt tâm lý thì tự cho bản thân thuộc giới tính khác và tìm cách thực hiện ý định chuyển giới bằng các phương pháp phẫu thuật và sinh hóa (tiêm hormone).

Hiện nay, người có nhu cầu chuyển giới tại Việt Nam phải qua các nước khác thực hiện phẫu thuật hoặc phẫu thuật chui ngay trong nước, không đảm bảo an toàn. Do đó, những người đã chuyển đổi giới tính không thực hiện được các quyền chính đáng của mình, không có khả năng tham gia vào đời sống dân sự thông thường. Chẳng hạn, CMND vẫn để giới tính cũ nhưng ngoại hình lại hoàn toàn khác…

Vì vậy, đại diện nhóm LGBT đề xuất BLDS sửa đổi cần quy định theo hướng khẳng định quyền xác định lại giới tính trong BLDS, không đẩy sang pháp luật về hộ tịch.

Một người đã chuyển giới đang tâm sự về chuyện gặp khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Ảnh: P.LOAN

Người ủng hộ, người phản đối

Ủng hộ đề xuất trên, BS Nguyễn Thế Dũng (nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM) khẳng định quyền chuyển giới là “quyền được sống” đối với những người có tâm lý giới tính khiếm khuyết. Pháp luật không thể phủ nhận quyền chuyển giới đối với những người này, miễn là không vi phạm đạo đức. Nếu người muốn chuyển giới được làm theo ý thích, tức về mặt tâm lý được thỏa mãn thì coi như pháp luật góp phần đem lại hạnh phúc cho họ. Tuy nhiên, vẫn cần thành lập hội đồng khoa học để đánh giá vấn đề kỹ càng và xem có bao nhiêu người thực sự khao khát chuyển giới.

BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên Giám đốc BV Từ Dũ, TP.HCM) cũng cho biết trên thế giới, đã có nhiều nước cho phép và xu thế chung là chấp nhận để bảo vệ quyền lợi của người chuyển giới. Nhưng theo BS Phượng, vấn đề này rất khó thực hiện ở Việt Nam bởi nhiều hệ lụy xã hội như xung khắc với các tôn giáo, các giá trị văn hóa và những hậu quả về pháp lý - hộ tịch, y tế, giáo dục. Do đó, không nên cho phép những người có cơ thể khỏe mạnh, hoàn chỉnh chuyển đổi giới tính, dù khả năng chuyên môn trong y học của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu này.

Cũng theo BS Phượng, trên thị trường có đủ loại hormone sinh dục để sử dụng liên tục sau phẫu thuật chuyển đổi giới tính nhưng cần cân nhắc vì người chuyển giới sẽ gặp phải nhiều vấn đề cả về thể chất lẫn tâm lý. Ví dụ về sức khỏe, người chuyển giới sẽ phải chịu đựng một hoặc nhiều cuộc phẫu thuật gây đau đớn, nhiều tai biến mà lại rất tốn kém, phải sử dụng hormone liên tục. Sử dụng hormone liên tục sẽ đưa đến nhiều tai biến như ung thư vú hoặc các tai biến khác về tim mạch, tiết niệu… Có người được chuyển giới ở Thái Lan đã tuyên bố chấp nhận bớt đi 20 năm tuổi thọ.

Bên cạnh hệ lụy xấu về sức khỏe, về mặt tâm lý, một nhà hoạt động xã hội ở Thái Lan cho biết nhiều người chuyển đổi giới tính cảm thấy hối tiếc và muốn trở lại như cũ nhưng không thể. Ở Mỹ, số người chuyển giới, tỉ lệ trầm cảm và tự sát cao, lên đến 30%-40% do thất vọng về cuộc sống sau chuyển giới.

Về mặt xã hội, nếu chưa có gia đình, những người này chắc chắn rằng suốt đời họ sẽ không thể có con, nữ cũng như nam. Những người đã có gia đình, có con thì bi kịch lại càng lớn hơn khi các đứa trẻ bỗng nhiên bị “mất cha”, “mất mẹ”… Về mặt pháp lý, nhiều vấn đề rắc rối phát sinh như chuyển đổi hộ tịch, công nhận hôn nhân sau chuyển đổi giới tính, thừa kế…

Từ đó, BS Phượng cho rằng chỉ nên cho phép phẫu thuật xác định lại giới tính trong các trường hợp có khuyết tật bẩm sinh như hội chứng tinh hoàn nữ hóa, hội chứng tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh hoặc các trường hợp cơ quan sinh dục khuyết tật, không rõ ràng…

Nhiều lo ngại khác

Một số nhà nghiên cứu cho biết về mặt xã hội, có sự phân biệt đối xử đối với những người chuyển đổi giới tính. Ở Thái Lan - đất nước mà việc chuyển đổi giới tính đã trở thành hiện tượng quen thuộc - năm 2013 chỉ có 88,49% người được hỏi chấp nhận một người bạn hay một đồng nghiệp làm chung phòng đã chuyển giới, 8,79% phản đối sự hiện diện của người đã chuyển đổi giới tính trong môi trường làm việc vì cảm thấy bất thường.

Về mặt pháp lý, cũng có những ý kiến lo ngại khi cho phép chuyển đổi giới tính theo nhu cầu như nam giới chuyển đổi giới tính để trốn tránh nghĩa vụ quân sự; chuyển đổi giới tính để gian lận trong thể thao hoặc lừa đảo tài sản; chuyển đổi giới tính để trốn truy nã; chuyển đổi giới tính để hoạt động mại dâm. Hoặc nếu người chuyển giới đã kết hôn thì sau khi chuyển giới, các thỏa thuận hôn nhân với chồng (vợ) của họ sẽ đột nhiên trở nên vô hiệu, dẫn tới kiện cáo hoặc cố tình chuyển giới để vô hiệu hóa các ràng buộc trong hôn nhân (trốn tránh việc cấp dưỡng, nuôi con, chia tài sản...).

Xem xét kỹ dựa trên lợi ích cộng đồng

Cần tách riêng vấn đề về chuyển đổi giới tính thành một điều luật riêng, đồng thời quy định rõ khái niệm “xác định lại giới tính” và khái niệm “chuyển đổi giới tính”.

“Xác định lại giới tính” là khi có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình. Còn “chuyển đổi giới tính” là vấn đề mới, về những người đang có cơ thể bình thường nhưng tâm lý thì muốn thay đổi thành một giới tính khác. Đây là một dạng “hành vi lệch chuẩn”, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc những yếu tố văn hóa truyền thống, theo nguyên tắc lợi ích cộng đồng đặt trên lợi ích cá nhân.

TSNGUYỄN HUY QUANG, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế

 

PHƯƠNG LOAN

Theo PLO