CÁC HÌNH THỨC TỬ HÌNH “GHÊ RỢN” NHẤT TRÊN THẾ GIỚI

(luatsutoancau.com)

ĐĂNG BỞI  – 07:21 21-12-2013

NGÀY NAY, DÙ 105 QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI ĐÃ BÃI BỎ ÁN TỬ HÌNH VÌ LÝ DO NHÂN ĐẠO, NHƯNG GẦN 80 QUỐC GIA KHÁC VÀ 35 BANG CỦA NƯỚC MỸ VẪN ĐANG ÁP DỤNG HÌNH PHẠT TỬ HÌNH ĐỐI VỚI CÁC TỘI PHẠM ĐẶC BIỆT NGUY HIỂM CHO XÃ HỘI. TRONG SỐ ĐÓ, TRUNG QUỐC, IRAN, IRAQ VÀ CÁC TIỂU VƯƠNG QUỐC Ả RẬP THỐNG NHẤT LÀ CÁC NƯỚC ÁP DỤNG HÌNH PHẠT XỬ TỬ NHIỀU NHẤT THẾ GIỚI, THEO TỔ CHỨC ÂN XÁ QUỐC TẾ. 

Phương pháp tử hình phổ biến nhất vẫn đang dược sử dụng là tử hình bằng súng, tuy nhiên một số quốc gia lại có hình thức tử hình khá khác biệt, thậm chí là “ghê rợn” so với các quốc gia còn lại. Đứng đầu trong danh sách này là hai phương pháp tử hình khủng khiếp đến từ các quốc gia Hồi giáo.
Chặt đầu
Đây là một bản án khá phổ biến ở các quốc gia Hồi giáo, dựa theo Bộ luật Hình sự Sharia của tôn giáo mà họ gọi là bản “hướng dẫn đặc biệt” của thánh Allah. Phạm nhân và đao phủ đều mặc đồ trắng. Tử tù bị bịt mắt, còng tay và thường được cho uống thuốc an thần trước đó. Một tấm bạt bằng nhựa rộng khoảng vài mét trải xung quanh khu vực phạm nhân bị hành quyết giúp xóa sạch các vũng máu và dễ dàng thu lại phần đầu của phạm nhân.
 Công cụ sử dụng là một thanh mã tấu theo truyền thống dài khoảng từ 1m đến 1,3m và luôn ở trong tình trạng sắc bén nhất. Nếu lưỡi đao sắc và đao phủ có “kĩ năng” tốt, nạn nhân sẽ chết mà không kịp cảm nhận hết nỗi đau đớn tận xương tủy, nhưng sẽ là địa ngục với trường hợp ngược lại.
Qúa trình xử tử phần lớn là kín đáo, tuy nhiên Ả – rập Xê-út là một trong số ít các quốc gia công khai quá trình hành quyết này ở nơi công cộng như tại quảng trường hoặc nơi gần nhà tù.
Đặc biệt, phần lớn các án tù chặt đầu của các nước Ả Rập đều dành cho người nghèo và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Như một vú em người Sri Lanka đã bị xử chặt đầu vào năm 2005 khi cô mới 17 tuổi vì chẳng may làm đứa bé 4 tháng tuổi chết ngạt. Hay vào 2011, 8 công nhân Bangladesh ra đã bị đưa ra hành quyết dưới hình thức chặt đầu công khai.
Ném đá đến chết
Đây là một hình thức xử tử khác của các quốc gia Hồi giáo theo Luật tôn giáo Sharia để trừng phạt những người thông dâm..Theo đúng tên gọi của bản án, người bị xử tử sẽ bị ném đá cho đến chết tại các khu vực công cộng, và điều đặc biệt là người thực hiện hình phạt chính là người dân hoặc những người quen biết với nạn nhân, thậm chí là cả người nhà.
Tuy nhiên, bản án này cũng được dùng để trừng phạt những người phụ nữ vi phạm các nguyên tắc của tôn giáo, hoặc những người phụ nữ bị cưỡng bức nhưng lại bị tuyên án thông dâm bởi tòa án tôn giáo. Như trường hợp của cô Arifa Bibi vào 2013, đã bị chính người thân trong gia đình ném đá đến chết theo lệnh của tòa án tại Pakistan bởi tội danh sở hữu điện thoại di động.
Hay cô bé Somalia 13 tuổi Aisha Ibrahim Duhulow bị 3 người đàn ông cưỡng hiếp, nhưng lại bị buộc tội thông dâm khi báo cáo lại vụ việc với lực lượng nổi dậy al-Shabaab đang nắm quyền kiểm soát thành phố. Cô đã bị 50 người đàn ông ném đá ở sân vận động Kismayu trước sự chứng kiến của khoảng 1.000 người vào năm 2008.
Ngoại trừ các nước Ả Rập ở Trung Đông và Pakistan ở Nam Á thì Brunei ở Đông Nam Á cũng đang áp dụng hình phạt này.
Treo cổ
Treo cổ là một hình thức tử hình có từ lâu đời và gây tranh cãi, tuy nhiên nó vẫn tồn tại một số quốc gia như Iran, Iraq, Singapore, Malaysia, Ấn Độ, thậm chí cả Nhật. Ở mỗi nước, hình phạt này được tiến hành theo một cách khác nhau.
Singapore là quốc gia có tỉ lệ tử hình trên đầu người cao thứ hai thế giới trong khoảng thời gian từ năm 1994 – 1999. Những phạm nhân bị tuyên án tử hình sẽ bị thi hành án theo hình thức treo cổ tại nhà tù Changi vào rạng sáng ngày thứ sáu. Đối tượng bị phán án tử bao gồm: phát động chiến tranh, cố gắng phát động chiến tranh hoặc tiếp tay cho các cuộc chiến chống chính phủ, phản quốc, khủng bố, giết người, buôn bán ma túy…
Ở Malaysia, không chỉ phạm nhân mang quốc tịch nước này mà ngay cả người nước ngoại phạm tội tại đây cũng phải chịu hình thức tử hình này.
Cựu tổng thống Iraq Saddam Hussein cũng bị xử tử bằng cách treo cổ lúc 6 giờ sáng ngày 30.12.2006 tại một địa điểm ở ngoại ô phía bắc thủ đô Baghdad.
Hơi ngạt
Xử tử bằng phòng hơi ngạt là hình thức kết liễu cuộc đời phạm nhân khá phổ biến ở Mỹ. Tử tù sẽ được đưa vào phòng hành quyết, trói vào một chiếc ghế hoặc giường cố định và sau đó hơi độc được bơm vào phòng kín này. Mức độ đau đớn và thời gian chết diễn ra nhanh hay chậm tùy thuộc phần lớn vào bản thân tử tù.
Cụ thể, nếu tử tù tự nguyện hít hơi độc thì sẽ mất mạng sau 10-15 giây. Ngược lại, nếu tù nhân nín thở thì thời gian hấp hối sẽ lâu hơn và cảm giác đau đớn sẽ diễn ra trong vài phút. Hình thức này được sử dụng lần đầu tiên tại một nhà tù ở bang Nevada, Mỹ vào năm 1924.
Ghế điện
Tử hình bằng ghế điện là hình thức thi hành án mà Mỹ và nhiều quốc gia phát triển khác sử dụng. Theo ý kiến của các nhà làm luật, đây là một hình thức tử hình diễn ra trong thời gian ngắn và có thể xem như có nhân tính nhất được sử dụng trong những năm đầu thế kỷ XX. Vụ tử hình đầu tiên bằng hình thức ghế điện được tiến hành tại nhà tù Auburn, New York (Mỹ) vào ngày 6/8/1890. Tù nhân đầu tiên bị xử tử theo hình thức này là sát nhân William Kemmler.
Một số quốc gia khác tử hình theo phương pháp ghế điện còn đặt một miếng bọt biển thấm nước muối lên đầu tử tù để tăng khả năng dẫn điện và dòng điện có thể chạy dọc vào thân của tử tù nhanh hơn. Điều này khiến phạm nhân chết trong thời gian rất ngắn, giảm bớt hành trình đau đớn cuối đời.
Tiêm thuốc độc
Hơn 30 quốc gia trên thế giới hiện đang áp dụng hình thức tử hình này, trong đó Việt Nam cũng đang bắt đầu thử nghiệm. Phần lớn các quốc gia sử dụng lần lượt ba loại thuốc: Sodium Thiopental, Pancuronium Bromide và Potassium Chloride để làm chết tội nhân.
Sodium Thiopental có tác dụng làm suy giảm hệ thần kinh trung ương, khiến tử tù rơi vào trạng thái hôn mê. Pancuronium Bromide là thuốc gây liệt cơ. Nó sẽ làm tử tù ngạt thở. Cuối cùng, Potassium Chloride làm tim ngừng đập và nhanh chóng dẫn tới cái chết trong vòng 10 – 15 phút sau khi tiêm.
 Theo ý kiến của một số chuyên gia y học trên thế giới, tử hình bằng tiêm thuốc độc là cách “chết không đau đớn”. Mặc dù trên lý thuyết là như vậy nhưng thực tế, tử hình bằng tiêm thuốc không hề nhẹ nhàng và nhanh chóng. Phương pháp này mất thời gian hơn bất cứ phương pháp nào khác. Thông thường, mỗi vụ thi hành án kéo dài từ 30 – 45 phút, đặc biệt phụ thuộc vào thao tác tìm ven và đưa mũi kim vào tĩnh mạch tử tù.
Lê Vũ (tổng hợp)-
Theo Một Thế giới