TĂNG GIÁ ĐIỆN, DÂN HƯỞNG LỢI: CHƯA THUYẾT PHỤC!

(www.luatsutoancau.com)

Tăng giá điện, dân hưởng lợi: Chưa thuyết phục!

(PL)- Giá điện được công khai, minh bạch nhưng giá điện có đúng hay không lại là một chuyện khác.

LTS:Ngay sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Giá điện tăng, người dân được hưởng lợi”, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng các lý do mà lãnh đạo Bộ Công Thương đưa ra tại cuộc họp báo chiều 2-2 về việc tính toán tăng giá điện là chưa thuyết phục. Để rộng đường dư luận. Dưới đây là  ý kiến của TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính).

Tại cuộc họp báo chiều 2-2, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, người phát ngôn của Bộ Công Thương, cho rằng tăng giá điện là điều cần thiết. Hiện nay giá điện của Việt Nam đang thấp hơn giá thành, điều này dẫn đến việc không thu hút được đầu tư vào ngành điện. “Quanh đi quẩn lại chỉ có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chịu lỗ. Do EVN là doanh nghiệp (DN) nhà nước, mỗi khi đơn vị này lỗ thì Chính phủ phải bù lỗ”. Do vậy giá điện cần phải tiệm cận với thị trường thì tương lai thị trường điện mới có cạnh tranh được, không phải là độc quyền như hiện nay. “Giá điện theo thị trường thì Chính phủ không phải bù lỗ. Bởi khi đó giá điện sẽ có cạnh tranh, các DN tham gia thị trường sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ,… để tạo ra giá thành điện rẻ nhất, từ đó người dân và DN được hưởng lợi.

Theo TS Ngô Trí Long, hệ thống truyền tải do EVN nắm giữ vì không có ai có thể đủ tiềm lực nhảy vào đầu tư. Trong ảnh: Ngành điện đang thi công hạ tầng lưới điện. Ảnh: HTD

Luôn báo cáo lãi, sao nói bán dưới giá thành?

Các lý lẽ mà Thứ trưởng Bộ Công Thương đưa ra như trên là khó thuyết phục người nghe, đặc biệt là người tiêu dùng. Ngành điện hiện nay đang ở thế độc quyền, trong khi đó sự kiểm soát độc quyền của Nhà nước chưa có hiệu quả.

Về lý lẽ cho rằng giá điện hiện đang thấp hơn giá thành, hai năm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) luôn báo cáo có lãi thì không thể có chuyện giá điện bán dưới giá thành. Cụ thể, theo công bố mới nhất của Bộ Công Thương và EVN vào ngày 30-12-2014, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2013 là 1.473,8 đồng/kWh. Tổng lãi hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2013 của EVN là 4.938,44 tỉ đồng.

Như vậy giá điện bình quân hiện nay của EVN đang ở mức trên 1.500 đồng/kWh. Rõ ràng đối chiếu giá thành và giá bán, EVN đang có lãi. Không hiểu tại sao lại nói giá điện dưới giá thành?

Giá thành không hề biến động

Không chỉ dừng lại ở câu chuyện giá thành, lý do để tăng giá điện còn được Thứ trưởng Bộ Công Thương viện dẫn từ báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) tại cuộc họp thuyết trình Dự thảo Báo cáo cuối cùng về xây dựng kế hoạch cải thiện tình hình tài chính cho EVN diễn ra vào ngày 14-1 ở Văn phòng Chính phủ.

Tại đây, đại diện WB nhận định nhu cầu điện năng của Việt Nam sẽ vẫn cao (dự kiến là 12% trong giai đoạn 2015-2020). Với mức tăng trưởng đó, tổng vốn đầu tư cho các dự án điện sẽ phải vào khoảng 7,5 tỉ USD/năm, lớn hơn nhiều so với mức đầu tư những năm gần đây (2,5-2,6 tỉ USD). Theo tính toán, 70% số vốn này phụ thuộc vào khu vực tư nhân thông qua các dự án nhà máy điện độc lập. Từ đó để thu hút đầu tư vào ngành điện, nâng cao sức cạnh tranh chỉ còn cách tăng giá điện lên mức 10% (khung tối đa cho phép) từ nay đến 2016 cho mỗi chu kỳ sáu tháng.

Điểm tựa trên cũng không phù hợp với thực trạng ngành điện Việt Nam. Ngành điện Việt Nam có những đặc điểm, môi trường, thu nhập rất khác. Ý kiến của WB cũng chỉ là tham khảo, cái chính là bộ chủ quản phải nắm chắc vấn đề, “ta mới hiểu ta hơn”.

Điều lưu ý ở đây là cơ cấu phát điện của Việt Nam khác với các nước khác. Nguồn phát điện của Việt Nam từ thủy điện chiếm hơn 40%, nguồn thủy văn những năm qua đều ổn định, trong khi đó các yếu tố đầu vào của các nguồn phát khác giữ ổn định, ngoại trừ giá than tăng nhẹ. Như vậy giá thành không hề biến động lớn.

Độc quyền làm sao có cạnh tranh?

Mặt khác, trong chi phí sản xuất kinh doanh điện có ba khâu: nguồn phát, truyền tải và phân phối. Trong đó hai khâu truyền tải và nguồn phát đang bị EVN độc quyền. Theo đó, hệ thống truyền tải do EVN nắm giữ vì không có ai có thể đủ tiềm lực nhảy vào đầu tư. Năm 2020 phấn đấu nguồn phát điện theo thị trường cạnh tranh; thế nhưng đến nay vẫn chưa tạo ra được cạnh tranh trong phát điện bởi vẫn còn tình trạng nhiều người bán nhưng chỉ một mình EVN mua. Sẽ khó thực hiện thị trường cạnh tranh khi vẫn còn yếu tố độc quyền.

Công khai nhưng phải minh bạch

Với thông điệp từ Bộ Công Thương, giá điện sẽ tăng nhưng trước khi tăng cần có cơ quan định giá độc lập để thẩm định về giá thành thì mới tính đến chuyện tăng hay giảm, ngoài sự tham gia của hai cơ quan thẩm định là Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính).

Kiểm toán, thẩm định giá điện rất phức tạp, đòi hỏi những người am hiểu lĩnh vực điện năng, thậm chí không chỉ là vấn đề liên quan đến giá cả mà còn cả kỹ thuật điện, cần đến những chuyên gia đầu ngành thẩm định, đánh giá chính xác. Giá điện được công khai, minh bạch nhưng vấn đề giá điện có đúng hay không mới là đáng bàn; công khai nhưng chưa minh bạch thì phải xem xét lại.

TS NGÔ TRÍ LONG

Người dân có thể ủng hộ tăng giá điện nếu ngành điện minh bạch để người tiêu dùng và DN hiểu. Đặc điểm của ngành điện Việt Nam là độc quyền trong khâu truyền tải và bán lẻ nên khó có sự cạnh tranh. Trước khi muốn người tiêu dùng và DN sản xuất tiết kiệm điện thì bản thân EVN phải nâng cao được năng suất lao động và giảm tổn thất điện năng. Nếu làm được điều đó sẽ làm cho giá thành điện giảm, giúp người dân và DN tiếp cận được giá điện rẻ.

Một chuyên gia về năng lượng

TRÀ PHƯƠNG ghi

Theo báo pháp luật TP.HCM