TẬP THƠ BÓNG THỜI GIAN – THI SĨ BÙI VĂN CANG

Chân thành tri ân

 nhóm thân hữu cựu học sinh

Trần Quốc Tuấn khóa 68 –75,

họa sĩ Phạm Cung,

nhà giáo Lương Duy Cán,

 thi sĩ Nguyễn Huyền Thạch,

thi sĩ Đoàn Vị Thượng,

    đã giúp tôi hoàn thành tập thơ này.

                                  

Bùi Văn Cang

Bùi Văn Cang

và tập thơ Bóng Thời Gian

 

Thời gian luôn là nỗi ám ảnh trong thơ Cang. Nhà thơ chính là kẻ lữ hành lang thang cơ nhỡ trong thời gian. (Ta đi qua mấy tầng u ngục – Rồi dẫn mưa về khóc mộ sâu). Y đang ngồi trên một toa tàu di chuyển với một vận tốc luôn thay đổi và một lộ trình không nhất định. Có lúc y phóng nhanh về phía trước, đã bạc đầu ngay ở tuổi thanh xuân:

Dãi mấy mùa sương mà tóc bạc

                   Tấm lòng cũng ố bụi thời gian

Có lúc y lùi về tuổi thơ xa xăm:

Cánh chim bay ngược dòng sông

                   Tìm về tổ cũ xốn trong mắt chiều

Một tuổi thơ qua nhanh như một tia chớp, nhưng ánh sáng của tia chớp tuổi thơ đã kịp khảm lên trái tim y một bông hoa:

Giấc hồng thơ ấu vụt qua

                   Đáy lòng còn rợn ánh hoa năm nào

Có lần con tàu của y đã lui về một quá khứ rất xa xôi, còn xa hơn cả tuổi thơ và y ngờ rằng đó là tiền kiếp:

Nhớ ơi một bóng trăng tiền kiếp

       Đã rợn bao lần sắc bể dâu

Trong chuyến du hành với một vận tốc cực đại về một sân ga xa xưa nhất của vũ trụ, y mơ hồ nhớ lại suốt chặng đường hiu quạnh không phải chỉ của riêng mình, y chia sẻ niềm cô đơn của mình với cuộc hành trình đơn độc của trái đất. Trong y là cả một pho sử ký ghi lại ngay cả thời tiền sử của thiên hà.

Gió bụi quay cuồng đêm bí sử

                   Trôi bơ vơ ánh lửa tinh cầu

Y vừa chứa trong tim những bí ẩn của hoàn vũ vừa phải đương đầu với những khốn khó của quãng đời thơ ấu nhọc nhằn, “những tháng ngày cơm áo bôi đen vầng nguyệt biếc”:

Nhà cửa xác xơ thân áo rách

                   Mùa đông mưa rét dột tư bề

                   Mọi người xúm lại trên manh chiếu

                   Ngồi thức tàn khuya mộng nắng về

Nhưng chính những tàn khuya khổ đau mà y gánh chịu đã cháy rực lên như nắng ấm, như pháo bông, (fireworks) như hoa lửa, và cho dù thế nào, y sẽ không ngừng “ngợi ca mặt đất lượng không cùng”, rằng chỉ nơi đây là Thánh Địa:

Hoa lửa chiều rơi vàng thánh địa

                   Đêm nghe vượn hú vọng non sầu

Thánh địa ngay dưới chân y, ngay trong nỗi cơ cực lầm than:

Vị lầm than tôi ngậm cháy bờ môi

                   Tan vào lòng nở ra trăng lóng lánh

Với y, thơ là vầng trăng bên trong của mỗi con người, là phần cốt tủy của hiện thể:

Trăng gieo nước, ánh vỡ ngời

                   Thơ qua lòng bật lời lời máu xương

Thơ là máu là xương là hoa là trăng:

Vẽ lên trăng úa màu chia biệt

                   Những dáng hoa sầu rực rỡ thơ

Thơ là lửa, là ánh sáng:

Riêng thơ mãi cháy ngời hoa lửa

                   Dẫn bước tôi qua những hẻm đời

Là nhựa của cây, là mật của hoa:

Dào dạt chảy trong ngàn cây thao thiết

                   Gọi mùa ong ghen bướm đến trao tình

Thơ không mang bất cứ một sứ mệnh lớn lao nào, không hò hẹn giải thoát và mang kẻ làm thơ đến một vương quốc xa lạ nào, một thánh đường nào, thơ chính là khổ đau, là hạnh phúc:

Xin tạ ơn đời, tôi còn giữ được thơ

                   Để luyện khổ đau hóa thành nguồn nhựa biếc

Khi con tàu của y đi ngang qua ga xép có tên là trái đất, y sững sờ nhận ra một vẻ đẹp vô song đang đồng hành cùng với lầm than cát bụi. Trái tim y phản chiếu vẻ đẹp lấp lánh muôn màu pha trộn giữa rực rỡ và tàn phai, giữa lệ vàng và mây xám, giữa ngàn xuân xanh bất tận và niềm thu trắng gợn mây phai, giữa pha lê xanh và sầu tôi tím ngắt, giữa rêu thâm và bông hoa đỏ chói mặt trời…

Khi đi ngang qua ga xép có tên là tình yêu, y lại một lần nữa run rẩy trước một vẻ đẹp mà y không tài nào hiểu được vì đâu (Hoa hồng nở chẳng bởi lý do nào, hoa nở vì hoa nở, thế thôi – La rose est sans pourquoi, elle fleurit parce qu’elle fleurit – Angelius Silesius)

Lòng nhớ quá những đêm hò hẹn cũ

                   Thiên thu về theo một thoáng sao rơi

                   Chẳng ai biết vì đâu hoa đã nở

                   Dưới trời khuya trong giấc mộng hai người

Có lúc con tàu của y đỗ lại ở một sân ga xa lạ nào đó:

Rồi một sáng nhìn gương lạ bóng

                   Chợt biết mình lạc giữa thời gian

Trong giấc mộng của riêng y, thời gian được nén lại và hình tượng hóa thành một Bến Vắng xa xôi, nơi đó, tất cả hiện ra chỉ một lần và:

Bỗng chìm thăm thẳm vào vô tận

                   Của bốn mùa luân chuyển tử sinh

Bến Vắng ấy có sức dung chứa cả hiện thực và hư ảo, nơi các hình tượng hiện ra rờ rỡ như được chiếu dọi bởi một thứ ánh sáng kỳ ảo, nơi mọi thứ quá mong manh, quá sẵn sàng để tan biến dù chỉ bởi một tiếng động khẽ khàng:

Mê cá đớp trăng ngời tuổi ngọc

                   Đò qua khua vỡ giấc chiêm bao

                   Cánh chim thảng thốt lìa nơi trú

                   Mang tứ thơ bay hút cõi nào

Đó có phải là thế giới của thơ Cang ?

                                   NGUYỄN HUYỀN THẠCH

                                      Đầu năm 2007

 

Hoa giấy vườn thiếu nữ

Hoa giấy đỏ khoe màu môi chín mọng

Như trào lên từ máu nóng tim em

Hoa giấy trắng gợi tâm hồn nguyên vẹn

Nỗi hoang sơ chưa bợn vết ưu phiền

 

Tôi thầm tính một ngày xô bật cửa bình yên

Để hái những bông hoa kỳ diệu nhất

Trong vườn em cho hương đời dâng ngát

Song tôi cứ ngập ngừng, mưa nắng lại trôi qua

 

Dẫu biết hồn em rồi sẽ chạm phong ba

Môi hồng kia sẽ bay đi màu thắm

Bởi tình yêu vốn xưa là trái cấm

Song tôi cứ ngập ngừng, mưa nắng lại trôi qua

 

Đón xuân phố vọng xuân rừng

Về quê cùng lúc với xuân

Sau lưng bỏ lại núi rừng trót yêu

Những con suối nhuộm máu chiều

Những vầng đông sớm hiện theo tiếng gà

Những ngày nắng tưới chan hòa

Những khuya lạnh tự lòng ra khắp trời

 

Nhớ nhung giờ đã chín muồi

Ủ thêm men rượu cho đời say hơn

Núi sâu chẳng biết nay còn

Đêm đêm vượn hú rợn hồn thiên nhiên

Trăng xưa giờ chắc lạ miền

Bể dâu kia đã nổi chìm mấy phen

Rừng ơi có nhớ ánh đèn

Lều săn tuổi trẻ ngủ quên một mình

Giấc mơ trôi nhịp thanh bình

Êm như sắc lá mướt xanh chốn ngàn

 

Tạm neo thuyền bến thời gian

Tình chia nhiều nẻo, mộng tràn một phương

Sáng nay đốt chút trầm hương

Đón xuân phố vọng xuân rừng năm xưa

 

Gửi người muôn dặm tha phương

Nhìn mưa thả bụi ngang trời

Thương ai tóc biếc đã hoài mấy xuân

Bỏ hoang vườn – trái – tim – hồng

Chim bay lạc xứ có mong ngày về?

 

Bao giờ người tỉnh cơn mê

Theo đời đang chuyển ngoài kia rộn ràng

Giở trang thơ ố lệ vàng

Chút tình bướm dại rơi tàn cõi nao

 

Người đi hé cửa chiêm bao

Ngõ trăng thoảng mãi hương sầu biệt ly

Bên hiên chợt thấy đóa quỳ

Hỏi lòng muôn dặm xót gì tha phương

 

Một đêm trăng Thạch Nham

Tôi cùng em dạo dưới trăng

Đôi bóng khi rời khi nhập

Hương đêm như có như không

Nhạc đêm thoảng hồn xa vắng

 

Cũng như tình yêu muôn thuở

Mới gần nhau đã cách xa

Lòng em bữa vui bữa giận

Trăng kia lúc tỏ lúc mờ.

 

Đêm nay trăng chảy một dòng

Mênh mang muôn làn sóng bạc

Ánh trăng chẳng bao giờ khác

Tình ta được mãi vậy chăng?

 

Hương đêm hòa nhập tình yêu

Nhạc đêm lắng sâu niềm biếc

Thiên thu chợt tràn khoảnh khắc

Chỉ còn nhấp nháy ngàn sao

 

Vẻ mặt dòng sông

Tôi thương em

ngày nắng đậu lên mi hồn bướm đẹp

Mặt thoáng buồn mùa hoang dại nào xa

Làn môi hé gợn chút gì hư ảo

Trong vẻ cười tàn úa một bông hoa

 

Kể từ ấy… đắm cơn mê hạnh phúc

Tôi như sông cuồng nhiệt vượt thác ghềnh

Đêm hút dẫn trăng sao về mở hội

Ngày thấm nhuần nguồn nắng đến vô biên

Cũng từ ấy… mang nỗi đau sâu thẳm

Tôi như sông quằn quại vượt chính mình

Đêm giũ tóc mây đen vần vũ mộng

Ngày trút mưa rạn vỡ mảnh gương tình

 

Bởi em đã hóa trăng chìm đáy biển

Nên sông hoài tìm kiếm… một đời sông

 

Xuân cõi đời và tình yêu

Khi nắng xõa tơ bay vàng mộng ảo

Và thiên nhiên rạo rực thoát xiêm y

Trao cho đời một tấm thân trinh bạch

Là mùa xuân muôn thuở đã quay về

 

Cũng khi ấy nguồn mây hòa mạch đất

Máu ngàn cây rót ấm máu tim anh

Nỗi âm u thành mưa bụi vương cành

Làm thắm hơn những chùm bông hạnh phúc

Vừa hé nở phả hương thơm rất mực

Ngoài vườn ai nào khác giữa lòng anh

Có chút gì giao kết rất mong manh

Tựa sóng nhạc nâng hồn say của bướm

Quyện theo hương hoa dâng ngày nắng ấm

Ẩn trong niềm khát vọng tự trời xanh

Muốn choàng ôm lên ngực đất rợn tình

Anh có em, ôi! Mùa xuân bất tử

 

Mối tình em như hạt sương ngậm giữ

Ánh bình minh rực rỡ mãi không tàn

 

Trái tim ngây thơ

Mặc thuyền ai xuôi sông đời hối hả

Em mang tình ngược dòng về tắm bến sơ khai

Hồn chạm cõi riêng ngàn xuân xanh bất tận

Điểm chút niềm thu trắng gợn mây phai

Và những bông hoa đỏ chói Mặt Trời

Nghiêng thơ rót cho Trăng vàng óng nhụy

 

Lòng nở suốt tháng năm như loài mai tứ quý

Nên trôi với bụi hồng, em còn chỉ… ngây thơ

Đó lại là trái tim đầy hạnh phúc, không ngờ

Em đã nhận tự suối nguồn sâu thẳm

Rủi mai sau gặp bão vùi thân đắm

Trái tim kia sẽ hóa ngọc… dâng người

 

Chút tình thơ buổi ấy

Xao lòng một buổi hoa niên

Khi xem truyện cổ lạc miền đất xa

Người từ bóng nguyệt bước ra

Dung nhan biến ảo sau tà khói sương

Dẫm nghìn đợt sóng thời gian

Người đi, về giữa mênh mang biển trời

Chút tình thơ ấy nào phai

Vẫn nguyên vẹn những đầy vơi suối ngần

 

Đóm lửa mùa đông

Em về tóc xám dày buông

Mặt xanh, môi tím, rợn luồng mắt trao

Thân xiêu đổ, dáng gầy hao

Như từ xưa hút lạc vào chốn nay

 

Uống cô đơn, nhấm đêm dài

Hồn say hoang lạnh đâu hay lửa thầm

Ủ trong những bếp tro tàn

Trái tim ai đó vẫn âm ỉ hoài

 

Lạc lối tình

Cổng người khép mở xuân thu

Vườn tôi chợt nắng chợt mù bóng mưa

Người nhen lá nẻo ban sơ

Mà lòng tôi cháy cuối mùa lênh đênh

Niềm vui từ ấy không tên

Nỗi buồn từ ấy vang danh đất trời

Rồi người xa hút ngàn khơi

Thơ tôi – cánh én mòn hơi tìm, về.

 

Quỳnh nở đêm trăng

Đâu tận một đất trời xa thẳm nọ

Hồn cỏ cây đã hôn phối cùng trăng

Cho tôi thấy nàng quỳnh về cởi áo

Trên bàn tay run rẩy của đêm vàng

 

Đêm thanh khiết bắt đầu từ lúc ấy

Chạnh xót đời chìm đắm kẻ điêu linh

Chưa hề được thưởng hoa, chờ trăng hiện

Vẫn nổi trôi theo gió bụi vô tình

 

Và niềm đau khi dồn ứ trái tim

Chợt bừng nở như đóa quỳnh kỳ lạ

Hạnh- phúc- hoa còn chia từng rễ, lá

Hạnh- phúc- người quên nguồn cội, về đâu?

 

Nguồn sáng trăng sao và sóng biển

Bởi nguồn sáng trăng sao có bao giờ rót cạn

Nên muôn đời sóng biển chẳng hề yên

Nước còn nhớ dâng mưa về núi cũ

Thì làm sao anh quên được tình em

 

Xưa em đến bất ngờ cơn bão táp

Cây ngả nghiêng lá đổ một hồn anh

Bao đài hoa chưa kịp thấy trời xanh

Cũng vì em nụ sầu bay lả tả

Rồi em đi như một dòng sông lạ

Nước mãi xuôi mà sông vẫn còn hoài

Sông nằm lại như một lời phù chú

Rằng tim anh sẽ đau nhức không thôi

Nỗi u hoài thành lửa cháy bờ môi

Thoáng cánh bướm bay cũng giật mình thảng thốt

Động tiếng chim qua cũng ngờ em chuyển bước

Thướt tha về với mưa ẩn trong tay

Bởi trong anh là đất hạn lâu ngày

Nên bằng những giấc mơ

Anh đã tự phỉnh phờ mà chẳng biết

 

Những đêm ngắm trăng sao,

trăng sao nhấp nháy giễu câu thề

Những ngày ra dạo biển,

nghe sóng nhại liên miên lời hẹn ước

 

Và từ đó hé ra anh thấy được

Có một điều anh không bao giờ đánh mất

Là tháng năm qua có xóa mờ bao sự vật

Nhưng tháng năm chẳng xóa nổi tình em

Vốn ghim sâu trong anh như một lời nguyền

 

Những đêm hò hẹn cũ

Lòng nhớ quá những đêm hò hẹn cũ

Thiên thu về theo một thoáng sao rơi

Chẳng ai biết vì đâu hoa đã nở

Dưới trời khuya trong giấc mộng hai người

 

Ôi! Lúc ấy hồn anh như gỗ mục

Được hồi sinh qua mấy đợt mưa hồng

Nỗi đau thương mà anh hằng ấp ủ

Chợt dịu dàng hơn những sợi tơ buông

 

Màu gấm quý của đất trời đêm ấy

Nhốt hồn anh vào trận trận phong ba

Anh lo sợ tình ta rồi gió cuốn

Mây bay tan về cuối nẻo dương tà

 

Yêu em với tấm lòng đau lá úa

Với mối tình phơ phất mộng xưa sau

Anh đã gặp vầng trăng từ vạn cổ

Trôi hắt hiu trong hạt lệ em sầu.

 

Nửa đêm đốt nến

Nửa đêm đốt nến soi đời

Thấy qua tôi một kiếp người long đong

Ngực vang lời suối xa xăm

Của đêm nao ngủ dưới vầng nguyệt em

 

Mang mang tình nén giữa tim

Mơ em ẩn hiện trước thềm ảo sương

Ngàn thu một ánh tơ vương

Cõi mây in mãi tiếng buồn chim rơi

 

Khát vọng về thơ

Thơ như trăng sáng đêm rằm

Mà lòng như nước sông quằn quại trôi

Trăng gieo nước, ánh vỡ ngời

Thơ qua lòng bật lời lời máu xương

Trăng kỳ diệu thấm muôn phương

Sao thơ tâm đắc chẳng vương qua lòng

Một đời tìm kiếm, đợi trông

Tiếc trăng tròn khuyết, uổng sông vơi đầy

 

Lời biển vọng

Nằm đợi hương xa về trải mộng

Lắng nghe cây kết trái giao mùa

Vẽ lên trăng úa màu chia biệt

Những dáng hoa sầu rực rỡ thơ

 

Đồng vọng trong tôi lời biển hát

Ngợi ca mặt đất lượng khôn cùng

Thương hồn núi đứng đăm chiêu quá

Như đắm thời xuân tráng lệ hồng

 

Hôm trước người đi, quên, bỏ lại

Chút tình thơ dại đến chiêm bao

Đất kia còn đọng niềm mong nhớ

Không phụ lời ru biển dạt dào

 

Hoa lửa

Phí bao nắng đẹp chìm hư ảo

Nhìn lại ngày xuân, bóng xế tàn

Dãi mấy mùa sương mà tóc bạc

Tấm lòng cũng ố bụi thời gian

 

Mê sông buổi nước mòn tâm sự

In núi trầm tư gội ráng chiều

Lữ khách chạnh niềm thương xứ cũ

Trải hồn trên vạn dặm đìu hiu

 

Xứ cũ khi về đâu tưởng được

Bể dâu vùi lớp lớp rêu thâm

Tình ai đã lạnh theo mây xám

Duy bóng trăng kia vẫn một lòng

 

Tên tuổi dẫu mai nhòa khói bụi

Chút hương tình ái dẫu tàn phai

Riêng thơ mãi cháy ngời hoa lửa

Dẫn bước tôi qua những hẻm đời.

 

Hương bay ngoài cõi thơ

Thời gian trải mịt mùng trên sóng nước

Thuyền giữa khơi ai biết dạt về đâu

Nào cố quận, nào thần tiên hội cũ!

Đã nhòa qua ánh mắt nắng sương rơi

 

Vị lầm than tôi ngậm cháy bờ môi

Tan vào lòng nở ra trăng lóng lánh

Người có thương tôi một đời khổ hạnh

Hãy dùm nhau sớt cạn chén trần ai

Người, một cõi mơ riêng, ngoài tay với

Của thơ tôi giàn giụa máu tim hồng

Dẫu kề vai từng ấm lạnh thu đông

Ta vẫn mãi xa nhau nghìn xứ lạ

Thương cổ tích chưa phai màu rêu đá

Mà hồn hoa hương nhạt tự bao giờ

 

Xin tạ ơn đời, tôi còn giữ được thơ

Để luyện khổ đau hóa thành nguồn nhựa biếc

Dào dạt chảy trong ngàn cây thao thiết

Gọi mùa ong ghen bướm đến trao tình.

 

Cung đàn lưu lạc

Chiều buông vội tấm sa mờ ảo

Xứ người buồn trắng tóc mưa đông

Nỗi lòng ai quặn tiếng tơ đồng

Lay cơ – hàn trăm năm tỉnh giấc

 

Sông cũng hát run lời gió bấc

Cuốn về đâu bèo rác phận mềm

Khép làn mi, thơ vỗ cánh đêm

Hồn bay trên biển cồn khát vọng

Rồi một sáng nhìn gương lạ bóng

Chợt biết mình lạc giữa thời gian

 

Với trái tim còn chút nắng tàn

Vẫn bước lê trong niềm hoang mạc

Lần theo hướng trăng xưa rơi khuất

Từng dấu chân thầm trổ cỏ hoa…

 

Chuyển dịch vòng tròn

Khi thơ ra đời nhập dòng sống hành tinh

Biển đã có ngàn tay vươn sâu vào đất

Khơi tinh huyết qua triền miên chắt lọc

Dẫn về lòng nuôi ngọn sáng tâm linh

 

Rồi hóa mây nhờ gió tặng trời xanh

Trời chẳng nhận, còn trút muôn mảnh ngọc

Làm biển ngời thương tích những đêm thanh

Mây thất vọng nên thả hồn phiêu bạt

Cho đến ngày gặp núi cũ hằng mong

Tâm sự vỡ thành mưa nguồn ào ạt

Lệ thấm mau vào xương thịt địa tầng

Luồn những ngách tối tăm dào dạt mạch

 

Khơi tinh huyết qua triền miên chắt lọc

Và lại vòng tròn chuyển dịch không thôi.

 

Lạc bến thời gian

Em từ phố chợ ra đi

Lần theo khe suối ngược về nguồn xanh

 

Cảm niềm trời đất mông mênh

Mê hồn trăng nước lung linh muôn đời

Mặc xuân thu cứ đổi dời

Núi mòn đá lở, sông trôi chuyển dòng

Mặc ngàn hương cứ phiêu bồng

Nhòa trong mây tím chập chùng dấu xưa

Em tìm lại chất ngây thơ

Hồn nhiên một thuở vốn ngờ biệt tăm

Rồi em mở lối thời gian

Chân xuôi phố chợ lòng thầm nở hoa

Tưởng rằng vui gặp quê nhà

Nào hay chốn cũ đã xa lạ mình

 

Em đành ngậm nỗi buồn tênh

Nhập vào cây cỏ lặng thinh miên trường

 

Từ những chùm ký ức…

Bên dòng suối trinh nguyên

Buổi trăng nước ngủ quên

giữa lòng xuân thao thức

Tình cờ gặp gỡ rồi chia tay

Em gửi theo tôi những chùm ký ức

Có quả ngọt ngào, có quả đắng cay

Tôi ủ trong tôi hơn nửa mộng đời say

 

Khi choàng tỉnh,

Hạnh phúc đã tượng hình kề nỗi đau âm ỉ

Như con sò ngậm hạt trai hiếm quý

Để một ngày kia

Đỉnh cao ùa xuống

Vực thẳm dâng lên

Quyện vào nhau bùng vỡ

Xé máu thịt ra cho nguồn sáng tràn tuôn

 

Tôi lặng nghe hoan lạc

Dạt dào trong mạch sống

Chảy băng qua trùm lấp những vết thương

 

Tơ nắng đan tóc mưa

Hoàng hôn sa núi thẳm

Bình minh hiện chân trời

Đây bài ca ngóng đợi

Nọ sắc màu chia phôi

 

Tơ nắng đan tóc mưa

Một chiều xuân đa cảm

Hay sáng thu tình cờ

Khuôn mặt em xán lạn

Bỗng nhuốm niềm u ám

Phía bóng đêm mịt mùng

Của dòng trôi vô tận

Bởi đường đời chập chùng

Những mảnh gương vỡ rạn

Cứa rách hồn bao dung

 

Em hằng tin sẽ gặp

Ánh lửa dựng thiên đường

Từ những lòng ngát hương

Từng qua sông khổ nạn

 

Cái nhìn từ động núi cao

Leo lên ngọn núi cao

Ẩn trong thạch động sâu

Lặng nhìn ra trời đất

Và thế giới muôn loài

 

Buổi sáng của năm,

Có những khoảnh khắc

thời gian lơ lững giữa không gian

Trinh khiết như nước lọc ngàn xuân

Đựng cốc pha lê xanh

Cha sưởi ấm

Mẹ tận hưởng

Chúng con được bú mớm hạnh phúc

Buổi trưa của năm,

Hương rượu quả nồng nàn

pha lẫn nắng mật ong sóng sánh

Cha mời mẹ nâng ly,

Chúng con thiếp say

dưới bóng râm của bình yên sâu lắng

Buổi chiều của năm,

Mẹ dệt trăm tà lụa trắng

bằng triệu tơ sông biển dạt dào

Nhờ gió gửi dâng cha

Cha bâng khuâng thả hồn trôi hướng lạ

Chúng con bồi hồi, tâm tưởng cũng lang thang

 

Buổi tối của năm,

Cha sầu giận khóc than

Mẹ vật vã với niềm thê thiết

Chúng con nghe lạnh cứng trái tim mình

 

Ôi! Khuôn mặt người cha thấy mênh mông xa thẳm

lại gần gũi xiết bao

Bởi nắng mưa đã thấm sâu lòng mẹ

Hòa vào máu chúng con

Tuy chúng con khác biệt… linh hồn

 

U ngục

Ôi! Những đêm dài bên cửa ngục

Nhìn mây mà kể chuyện sông hồ

Nhìn mây mà hát niềm ly tán

Mơ thấy ai về trên nẻo xưa

 

Hoa lửa chiều rơi vàng thánh địa

Đêm nghe vượn hú vọng non sầu

Ta đi qua mấy tầng u – ngục

Rồi dẫn mưa về khóc mộ sâu

 

Một năm xương phơi hồn cổ lục

Trăm dòng huyết ứ mộng kỳ thư

Mở ra nghìn cửa trời u uất

Khép lại dương trần nỗi gió mưa

 

Thiếu nữ trăng rằm

Em thoát hồn pho tượng ánh trăng

Trăm năm về tụ sáng đêm rằm

Chồi non nghìn búp tay xòe nở

Cởi áo hương trinh lót chỗ nằm

 

Nhan sắc em ngời mặt đất xuân

Ý thơ thanh khiết đến vô ngần

Em soi vẻ đẹp vào tăm tối

Tội lỗi trần ai vội lánh thân

 

Rồi em trôi dạt bến xa xăm

Tim mách đường qua chốn bụi lầm

Bao nắng mưa phai, lòng chẳng nhạt

Giấc mơ vàng óng tuổi mười lăm

 

Trăng tiền kiếp

Nước non đã lạc hồn hoa cỏ

Mây khói bay màu xiêm áo xưa

Vó ngựa dẫm nghiêng trời ảo mộng

Nguyên sơ bừng đỏ giấc sông hồ

 

Nhớ ơi! Một bóng trăng tiền kiếp

Đã rợn bao lần sắc bể dâu

Gió bụi quay cuồng đêm bí sử

Trôi bơ vơ ánh lửa tinh cầu

 

Người bạn bao năm giờ mới gặp

Một ngày đông lạnh nắng ngủ mê

Người bạn phương xa chợt trở về

Người bạn bao năm giờ mới gặp

Tấm lòng đâu khác thuở xưa kia

 

Tôi nghe anh kể niềm thương nhớ

Về mẹ thân yêu đã khuất rồi

Cùng những chuyến đi ngàn dặm khổ

Những nồi khoai cháo lúc đầy, vơi…

Cha coi bệnh hoạn như thân thuộc

Vẫn cố oằn vai gánh cuộc đời

Vì một bầy con đang bám víu

Lòng ông: hang thẳm, trẻ: bầy dơi

Cảnh đời anh đó như gương soi

Lại cảnh đời tôi những đổi dời

Cũng chuỗi gian nan dài chịu đựng

Cũng hồn thơ quằn quại khôn nguôi

Những năm làm lính ngoài biên giới

Anh đã hiểu đời hơn trước kia

Cùng thấy qua mình bao cái đẹp

Hồn anh bừng ánh sáng lưu ly

 

Anh đã vươn lên từ khốn khổ

Từ đáy lầm than của cõi người

Như đóa sen hồng vừa nở rộ

Phả niềm ước vọng đến trong tôi

Tháng Chạp năm Bính Dần

 

Thơ viết bên lò rượu nhà bạn

Lúc rượu bắt đầu thơm ngát mũi

Là khi chờ đợi nở vàng bông

Bao mồ hôi đọng qua đông hạ

Phả chút hương bay đượm cõi lòng

 

Đời đã lên men từ buổi ấy

Ủ nồng thêm giấc mộng mai sau

Người ơi! Thân dẫu lầm than vẫn

Gieo nụ cười trên những khổ đau

Thầm xem đau khổ như nước biển

Mặn xót đáy lòng vẫn mát xanh

Vẫn cuộn tình dâng ngày nguyệt lớn

Và êm đềm những lúc trời thanh

 

Niềm riêng tôi có nghĩa gì đâu

Trong nỗi đời xanh ngắt bể dâu

Từ đó, thơ tôi thành tiếng vọng

Lời dân gian hát tặng đời sau.

 

Chuyện cát lầm

Bao nhiêu năm lạnh hồn trai trẻ

Sự nghiệp – vầng mây nổi cuối trời

Hoa cỏ vườn hồng đành bỏ héo

Tình như chiếc lá vượt trùng khơi

 

Nhà cửa xác xơ thân áo rách

Mùa đông mưa rét dột tư bề

Mọi người xúm lại trên manh chiếu

Ngồi thức tàn khuya mộng nắng về

 

Thương mẹ già nua còn lận đận

Sớm đi có buổi nguyệt chưa tàn

Khi về- trời đã ngàn sao thắp

Lòng ngậm đắng sầu chẳng dám than

 

Cha thì đã ngủ im muôn thuở

Hồn lạnh vật vờ theo bóng đêm

Giờ hẳn thịt xương thành đất bụi

Niềm xưa không biết có nguôi quên?

 

Nhà còn dăm đứa em thơ dại

Cuộc sống lêu bêu đám lục bình

Chữ nghĩa thánh hiền không biết mấy

Đói nghèo che tối chuỗi ngày xanh

 

Riêng tôi càng sống càng thương cảm

Người vợ u buồn ít nói năng

Sớm tối đi, về như chiếc bóng

Chẳng màng soi nét mặt thời gian

 

Nhiều đêm con trẻ đau nằm thiếp

Gió bấc qua phên tạt xót lòng

Bởi vách như lòng, đều bỏ ngỏ

Ngọn đèn leo lét nỗi sầu chung

 

Con ơi! Quá nhỏ con nào biết

Ta đã sống qua những tháng ngày

Cơm áo bôi đen vầng nguyệt biếc

Nhưng cha vẫn đợi một ngày mai…

 

Ngày mai đời sẽ bừng hương sắc

Quá khứ nhập vào chuyện tích xưa

Mùa mới về khoe xiêm áo thắm

Phong ba thôi động bến sông hồ.

 

Về nguồn

Cánh chim bay ngược dòng sông

Tìm về tổ cũ xốn trong mắt chiều

Còn vài cọng lá khô treo

Lắt lay hơi thở đìu hiu dặm ngàn

 

Hang sâu tình Mẹ âm vang

Vọng theo con nước lang thang bốn mùa

Ơn Cha chất ngất trời xưa

Hòng mai sau bóng phủ vừa đường chim…

 

Nỗi đâu dồn nén cùng niềm

Vỡ òa túi nguyệt bên triền núi cao

Lệ vàng mới chảy hôm nao

Hồn như chạm tới vì sao xa mờ

 

Thơ tặng người bỏ xứ

Vai kề vai vẫn cách ngăn

Nỗi niềm hóa đá mảnh trăng  khuyết tàn

Trời xa, đất lại thấy gần

Bởi tình gửi nắng mưa luân hồi về

 

Thương người chân ngấm bùn quê

Mà hồn trổ nhánh u mê phố phường

Mộng mười phương, bỏ một phương

Mịt mù nguồn thẳm, say trường giang trôi

 

Đêm xuân chuông vọng bên đời

Có lay người tỉnh dậy thời hồng xưa.

 

Nhà em

Vách như áo tả tơi từng mảnh

Mái như lòng đã ố màu rêu

Nhà em đó: bốn mùa mưa nắng,

Gió trăng vào khuấy động chiêm bao

 

Trăng sông Trà

Ngắm trăng nước đọng thời gian

Thấy mình tắm bụi mưa vàng trời xa

Giấc hồng thơ ấu vụt qua

Đáy lòng còn rợn ánh hoa năm nào

 

Vườn sương sớm

Nuốt từng chuỗi hạt chim ngân

Vườn mai quên lạnh mở dần tấm sa

Nghìn lòng tay biếc hiện ra

Nâng niu giọt lệ chói lòa ánh dương

 

Hoàng hôn sông Trà

Làn sa tím nhạt thả mênh mông

Choàng bến bãi đìu hiu

Phủ mờ mờ dòng biếc

Bên sóng sông gờn gợn vỗ bờ

Là sóng lúa chảy rập rờn niềm hân hoan bất tận

Dẫu hai sóng cùng thoát thai từ một Mẹ dịu hiền

Núp sau khối mây đùn

hồn đá tảng hoang nguyên

Trăm tia chớp bắn xòe nan quạt

Ngọn nhòa tan vào vời vợi xanh cao

Gương sông nước cũng gợn hình kỳ ảo

 

Cảnh sắc ấy

Thời gian này

Dường như ngưng tụ

Vì chỉ trong một khắc giao thần

Mà trời nước nhuộm hoàng hôn đã

Hắt bóng cho nhau triệu triệu lần

Nghoảnh về phương đông

Vầng trăng vừa thức dậy

Mắt hoang vu mới ánh lửa linh hồn

Dần tinh sáng khi ráng chiều dần tắt

 

Gương nước, ráng chiều và vầng trăng đối mặt

Ba vẻ khác nhau hợp một thể hài hòa.

 

Sông Trà, núi Ấn vào thu

Đò ngang còn nối mộng đôi bờ?

Hoài niệm bước mòn bậc đá xưa

Bến vắng trưa nồng hương cỏ dại

Nằm nghe sóng vỗ dạt cơn mơ

 

Thương ơi! Giọng cuốc gọi xa mờ

Xuyên suốt đời mình như sợi tơ

Được mất buồn vui rồi tuột hết

Sau cùng đọng lại chút ngây thơ

 

Chạnh trải lòng thăm ngược nhánh sông

Trà giang đau xót vết thương nguồn

Núi xanh in xuống bao dòng chảy

Có thấu trùng khơi một tiếng chuông

 

Nắng đẹp phai dần trong mắt ai

Chiều đi vương giọt úa đầu cây

Sư ông hồn gửi ngoài muôn dặm

Đâu biết niềm thu mới đến đây.

 

Khuya bên cầu Trà khúc

Ngày chịu khói lồng âm tải nặng

Khuya nghe chân mỏi lạnh muôn dòng

Dãy đèn cao áp buồn rưng mắt

Chuỗi chuỗi lệ vàng cắm đáy sông

 

Mừng người vừa tuổi đôi mươi

Kính tặng quê hương

Mừng người vừa tuổi đôi mươi

Thân căng nhựa sống, áo ngời sắc hoa

 

Ngọc đâu rải khắp giang hà

Vọng đầy vơi nhịp sóng ca muôn trùng

Lụa nào phủ mượt núi, đồng

Một màu xanh đến vô cùng thời gian

Qua sương nắng kết bông vàng

Hái về chật cửa lại tràn bến xa

Ngàn chim lạc xứ, quên nhà

Từ hương bông ấy nghe ra cội nguồn

Rằng người mở ngõ bốn phương

Đón từng hạt quý vào ươm lòng mình

 

Bao mầm cây vụt lớn lên

Vì đời tỏa rực tinh – anh – nụ – cười

 

Hoài cảm mùa thu

Thầm dõi những cơn giông buổi chiều

hay đến hát tiễn đưa

Mùa hạ ra đi bước ngập ngừng lưu luyến,

Và những vầng mây ráng đỏ cứ dần vơi

Nhan sắc phượng bên vô tình phố chợ.

 

Người bắt gặp mùa thu về bỡ ngỡ

Trên trời cao mây trắng dợn tư bề

Mắt hồ xanh sâu ẩn những đam mê

Sâu hơn nữa là đáy lòng tưởng nhớ

Một vầng đông kỳ ảo bến đò ngang

Một đỉnh non ngưng đọng sắc chiều tan

Cùng bao chuyện buồn vui mùa hội cũ

Khi nắng thu vàng phai chắt chiu

hương hoa thu muộn nở

Thì dòng sông vừa tới khúc quanh chiều

Vẳng nghe lời giun dế gọi chiêm bao

Trăng xanh xao như mặt buồn thiếu phụ

Đón đêm về mở rộng cửa quạnh hiu

 

Người có thấy rất đỗi cô đơn

Và vô cùng bé nhỏ,

Dưới ánh nhìn thăm thẳm

triệu vì sao

 

Trong khói hương xuân

Cánh dơi đêm quấn lại tóc sầu rơi

Nhường vầng trán xanh cao

cho những nét mi dài chim én vẽ

Muôn nụ cười xưa theo nắng phai

Bay về đậu trên áo mùa tươi biếc

Hơi thở đất nhẹ nhàng hôn ánh nguyệt

Thức dậy thôi, loài bướm nở muộn màng

Bởi vườn ai vừa trổ nhánh hoa lan

Là tinh túy của hồn thơ phiêu bạt

Là tặng vật để ngày sau tha thiết

Trong trái tim nhạy cảm mạch đời

Bao bước thăng trầm cung bậc chơi vơi

Cùng ghi dấu những xứ miền nương trọ.

 

Từ ký ức sâu, buổi thiên đường mờ tỏ

Còn vọng đến giờ, huyền ảo khói hương xuân

 

Bão biển

(Về cơn bão Chan Chu)

Người mẹ nhân từ bỗng nổi điên

Triệu cơn cuồng nộ xoáy qua miền

Thân sa nửa vực chìm quên tuổi

Hồn ném lưng trời lạc mất tên

Niềm biển trào sôi rồi tĩnh lặng

Nỗi lòng ly biệt cứ triền miên

Bao con mắt đỏ mòn đêm trắng

Đời ghé vai chia gánh nỗi niềm

Tháng 5 năm 2006

 

Bài ca đêm nguyệt tận

Đêm,

Những bông hoa của trời đua nở

Bao niềm riêng gửi xuống lặng thầm

Thương trái đất thở vầng mây ố

 

Đêm,

Những vì sao của đất tỏa hương

Trôi lãng đãng vào ngàn cơn mộng

Từ biển rừng đến ngọn cỏ sương

 

Đêm,

Những tâm tư của người lắng đọng

Cho tình yêu bàng bạc đất trời

Và hồn thơ vẫn hoài khát vọng

Một ngày mới đẹp

hơn ngày qua

 

Đêm sông lũ tràn bờ

Nửa khuya nước lũ tràn bờ

Sầu tôi tím ngắt trang thơ để dành

 

Thương bèo rác nợ lênh đênh

Lạc loài ngay giữa sóng tình thế gian

Thương tôi ngậm đá tìm vàng

Sàng đi đãi lại cả ngàn giấc mơ

Tim đang gõ nhịp bây giờ

Mà hồn cứ ủ bóng xưa phai tàn

Về đâu, trăm ngả mênh mang?

Tôi cùng bèo rác trôi hoang đêm dài

 

Biển xa vời vợi mắt ai

Như lòng mẹ đón con… đầy bao dung

 

Bài ca tưởng niệm

Trong sâu lắng giấc đêm hè

Chợt nghe thương nhớ cuộn về khói hương

 

Đàn trăng nghìn giọt máu buông

Từ tim người xuống chạnh lòng trần ai

Hơn trăm năm đọng đêm này

Ngay từng ngọn cỏ cũng đầy ý linh

Khuya vàng nhớ áo xưa xanh

Màu sương gió những kinh thành nào xa

 

Buổi đi sầu xót quê nhà

Buổi về mộng đã trổ hoa thắm đời

 

Vọng thầm bến Vắng xưa

Bóng ai về cuối chiều quên lãng?

U uất đêm lên rợn nấm mồ

Im vắng thấm sâu hồn thảo mộc

Vầng trăng nhuốm máu lạnh hoang sơ

 

Ảo ảnh nhập nhòa theo sóng nước

Như say cung bậc khúc vong tình

Bỗng chìm thăm thẳm vào vô tận

Của bốn mùa luân chuyển tử sinh

 

Mê cá đớp trăng ngời tuổi ngọc

Đò qua khua vỡ giấc chiêm bao

Cánh chim thảng thốt lìa nơi trú

Mang tứ thơ bay hút cõi nào

 

Dốc nhỏ thở nồng hơi lá mục

Ủ trong tâm khảm gã giang hồ

Ngược xuôi trăm bến đời huyên náo

Lòng vẫn vọng thầm bến Vắng xưa

 

THƠ ĐƯỜNG LUẬT

Cảm nhận

Dáng ai như mộng đến ngoài hiên

Sóng tóc vàng buông nửa sắc duyên

Duyên thắm mới ươm tình sự vật

Sắc ngời vừa trổ ý thiên nhiên

Nhạc thơ người dẫn nguồn hoan lạc

Cơm áo tôi khơi mạch muộn phiền

Mùa đã mở vườn hương bát ngát

Mỗi lòng cảm nhận một niềm riêng

 

Tụng ca mùa xuân

Em về hơi thở ấm muôn phương

Sông núi chuyển mình dậy sắc hương

Hoa quả tất niên bừng xứ sở

Khói nhang trừ tịch lắng thời gian

Hồn thơ vẫn đượm màu mây trắng

Ý mộng chưa phai ánh nguyệt vàng

Em chính là em nghìn thuở trước

Sao giờ gặp lại, lạ dung nhan?

 

Thơ tặng người ở xa về

Nắng lại hồng khi mưa bão qua

Cõi đời rạo rực những âm ba…

Cành mai đón Tết chưa về phố

Gót liễu theo Xuân đã tới nhà

Hoài tưởng mở thầm hương lối cũ

Tâm tư gói kín bụi đường xa

Tình riêng đâu dễ cùng ai tỏ

Đành gởi trời cao nỗi thiết tha

 

Khát vọng khơi nguồn

Tứ thơ trăn trở viết chưa thành

Do mạch suối lòng chảy quẩn quanh?

Soi mắt người xưa – thêm huyễn hoặc

Nhìn trăng xứ cũ – bớt lung linh

Thớ tim đã rệu bao điều dữ

Nếp óc còn nguyên những ý lành

Chiều ngấm tóc ai mùi cỏ úa

Uổng hồn phơi trải dưới trời xanh

 

Đôi lời

Rất tình cờ, tập thơ Bóng thời gian của Bùi Văn Cang đến với tôi.

Không là một nhà thơ chuyên nghiệp nhưng cái nghiệp của Bùi Văn Cang là phải làm thơ. Nếu không làm thơ thì anh còn sống thế nào được nữa đây? Bởi thế mà thơ của Cang rất thật. Anh làm thơ không phải để cho ai đọc, mà chủ yếu để cho chính mình, cho sự tự giãi bày không thể thiếu được để sống.

Bùi Văn Cang có những câu thơ thật đến lạ lùng, đến trọn vẹn, thật đến nhói đau:

 

Nhà cửa xác xơ thân áo rách

Mùa đông mưa rét dột tư bề

Mọi người xúm lại trên manh chiếu

Ngồi thức tàn khuya mộng nắng về

 

… Nhà còn dăm đứa em thơ dại

Cuộc sống lêu bêu đám lục bình

Chữ nghĩa thánh hiền không biết mấy

Đói nghèo che tối chuỗi ngày xanh.

Mùa đông, ngồi giữa căn nhà “dột tư bề” mà lại ngồi thức tàn khuya mộng nắng về thì thật quá! Mà cũng thơ quá! Đặc biệt mấy tiếng mộng nắng về . Mộng nắng về, chứ không phải là đợi nắng về đâu nhé! Không biết ai đã cho anh một từ “mộng” hay thế.

Bài nào của Cang cũng ẩn chứa thật sâu một nỗi buồn. Buồn cũng phải, bởi lúc nào anh cũng thấy mình là kẻ thất bại, mất mát, bất cứ chuyện gì cũng là chuyện phải tiếc nuối. Đứng trước đại dương, thường thì người ta ai cũng thấy vui, thấy phấn chấn, Bùi Văn Cang lại chỉ thấy nhớ và buồn:

Hôm trước người đi, quên, bỏ lại

Chút tình thơ dại đến chiêm bao

Đất kia còn đọng chút niềm mong nhớ

Không phụ lời ru biển dạt dào

(Lời biển vọng)

Yêu, không yêu, để cuối cùng thì tiếc:

Tôi thầm tính một ngày xô bật cửa bình yên

Để hái những bông hoa kỳ diệu nhất

Trong vườn em cho hương đời dâng ngát

Song tôi cứ ngập ngừng, mưa nắng lại trôi qua

(Hoa giấy vườn thiếu nữ)

Không chỉ buồn cho chuyện mình, Bùi Văn Cang còn buồn cho chuyện của người ta, mà thường thì buồn cho chuyện của người ta hơn cả chuyện của mình. Có những chuyện chắc gì người ta đã buồn:

Người đi hé cửa chiêm bao

Ngõ trăng thoảng mãi hương sầu biệt ly

Bên hiên chợt thấy đóa quỳ

Hỏi lòng muôn dặm xót gì tha phương

(Gửi người muôn dặm tha phương)

Thật ra, nói thế là để thấy rằng đằng sau mỗi bài thơ là trái tim nhân hậu, rất nhân hậu, rất trăn trở của Bùi Văn Cang. Không thể không cảm động khi đọc những câu thơ như thế này:

Em về tóc xám dày buông

Mặt xanh, môi tím, rợn luồng mắt trao

Thân xiêu đổ, dáng gầy hao

Như từ xưa hút lạc vào chốn nay

 

Uống cô đơn, nhấm đêm dài

Hồn say hoang lạnh đâu hay lửa thầm

Ủ trong những bếp tro tàn

Trái tim ai đó vẫn âm ỉ hoài

(Đóm lửa mùa đông)

Và có lẽ từ trái tim ấy mà Bùi Văn Cang có những câu thơ như xuất thần:

Thương tôi ngậm đá tìm vàng

Sàng đi đãi lại cả ngàn giấc mơ

(Đêm sông lũ tràn bờ)

Thương người chân ngấm bùn quê

Mà hồn trổ nhánh u mê phố phường

(Thơ tặng người bỏ xứ)

Lời thơ Bùi Văn Cang khá đẹp. Hầu như bài thơ nào cũng được tác giả của nó chăm chút như những đứa con cưng. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn đọc tập thơ này của anh như chia sẻ một tấm lòng. Càng ngày thơ không phải là tấm lòng, thì những tấm lòng trong thơ lại càng đáng cho ta nâng niu.

Cuối năm 2006

LƯƠNG DUY CÁN

 

Với Bùi Văn Cang và thơ anh

Tôi có may mắn quen biết, và gần như cùng lúc được đọc thơ của Bùi Văn Cang đâu khoảng từ năm 1972 – 1973. Hồi ấy anh chỉ mới là một học sinh trung học phổ thông, làm thơ như một bản năng kỳ lạ; một hiện tượng hiếm có ở cái tỉnh nhỏ Quảng Ngãi vốn rất ít người “biết” cầm bút. Tuy nhiên, ít mà vẫn có, dường như một vài tên tuổi đi trước anh một chút như Ngũ Hà Miên, Phan Nhự Thức, Hà Nguyên Thạch, Phạm Trung Việt, Bùi Trào Phúng, Trần Thuật Ngữ…, và đặc biệt, trước xa hơn – và nổi tiếng hơn, như Bích Khê, Tế Hanh, Nguyễn Vỹ…đã có tác động đến ý hướng viết lách của Bùi Văn Cang. Nhưng theo cảm nhận chủ quan của tôi, người tác động mạnh nhất đến anh, có lẽ là một người không cùng quê và ở rất xa anh: nhà thơ Đinh Hùng.

Thế đó, ở ngôi trường Trần Quốc Tuấn chúng tôi thuở ấy, Bùi Văn Cang đã sớm được bạn bè đồng môn để ý đến như một thi sĩ học trò. Ồ, cũng không phải vậy, đúng hơn có lẽ là chúng tôi đã coi anh như một thi sĩ còn mặc áo học trò. Bởi vì, đối với đa phần bọn chúng tôi lúc bấy giờ, một thi sĩ thì dường như luôn luôn “lớn” và “lạ” trên mọi phương diện, và Bùi Văn Cang “lớn” và”lạ” thật, anh cao gầy khắc khổ (vì học trễ lớp), thường trầm ngâm đứng ngoài những cuộc chơi chung vui vẻ, hồn nhiên của bạn học. Hiện tượng khác lạ đó ở anh, lâu ngày, được chúng tôi coi là một điều bình thường- vì, không nghi ngờ gì nữa, đó là “phong cách” của một thi sĩ!

Nhưng rồi, ai ngờ, để có một “phong cách thi sĩ” thực sự trong cõi văn chương, Bùi Văn Cang còn phải trải qua nhiều biển dâu (chữ anh thích dùng trong thơ) lắm. Với hành trình hơn 30 năm qua, đã bao lần anh muốn đem cuộc đời vào thơ nhưng cũng đã bấy lần thơ anh bị cuộc đời nuốt chửng. Cuộc tồn sinh cam go kéo dài đã lôi tuột tuổi trẻ của anh qua đi nhanh chóng và cùng với điều đó, nó cũng không cho phép nhà thơ kịp định hình một phong cách vững vàng vì không có đủ điều kiện để nấu nung lượng thành chất. Từ đó, thơ anh hóa thành những nỗi niềm tự sự khép kín hơn là những cuộc tỏ bày tương giao, ủ ấp những hoài vọng xa xăm đến độ mơ hồ hơn là những mở phơi tràn trề hằng sống…qua một cách diễn đạt, một giọng điệu pha trộn không hài hòa giữa một bên là sự tiếp nối bản năng thuần thục quen thuộc thuở ban sơ và một bên là sự xa lạ trong kiếm tìm dè dặt thời sau này. Đó là thứ giọng điệu phân thân – như một chứng nhân (hay nạn nhân?) của thời cuộc, của lịch sử, của văn học nước nhà. Có cảm giác, hơn 30 năm qua, anh vừa dừng lại vừa buông trôi trong cuộc ăn nằm với chữ nghĩa. Có phải bao lâu nay, tâm hồn Bùi Văn Cang không đồng hành cùng thời gian, anh đã tìm thấy một chiều kích khác của thời gian để nương náu vào đó sự tồn tại của mình; anh sống cùng cái bóng của nó – Bóng thời gian ?

Bây giờ được đọc tập thơ này của Bùi Văn Cang, cộng với những hiểu biết về anh và thơ anh có sẵn trước đây, tôi vội có những cảm nhận ban đầu như thế.

Rồi tôi nghĩ, có vẻ như Bùi Văn Cang không già hơn được nữa. Anh đã một lần trở nên già rồi, ngay từ khi đóng đinh hồn mình vào những bài thơ đầu đời. Và thời gian vĩnh hằng, đối với anh, cũng chỉ là cái bóng của những khoảnh khắc nối tiếp để phản chiếu tâm trạng từng lúc hơn là để kéo dài tuổi tác lê thê. Trong cái nhìn gãy khúc đó, thời gian đã hóa thành một cái bến – vắng rất vắng – như cái Bến Vắng có thật ở quê anh, đó có phải là nơi duy nhất tồn sót lại ký ức về con người, của con người (còn con người thì lần lượt đi đâu mất): Mê cá đớp trăng ngời tuổi ngọc. Đò qua khua vỡ giấc chiêm bao. Cánh chim thảng thốt lìa nơi trú. Mang tứ thơ bay hút cõi nào/ Dốc nhỏ thở nồng hơi lá mục. Ủ trong tâm khảm gã giang hồ. Ngược xuôi ttăm bến đời huyên náo. Lòng vẫn vọng thầm bến Vắng xưa (Vọng thầm Bến Vắng xưa).

Đến lúc này, tại sao tôi vẫn thấy Bùi Văn Cang “lớn” và “lạ”. Anh luôn có một khoảng cách với những người bình thường như tôi. Không  phải trên hay dưới, cao hay thấp. Khoảng cách – đó chỉ là khoảng cách. Ấy mới chính là chỗ tôi muốn nói về thơ anh. Ví như khi tán tụng một cô gái tuổi trăng tròn, anh có những câu thơ đẹp đến độ…cực đoan: Nhan sắc em ngời mặt đất xuân. Ý thơ thanh khiết đến vô ngần. Em soi vẻ đẹp vào tăm tối. Tội lỗi trần ai vội lánh thân/ Rồi em trôi dạt bến xa xăm. Tim mách đường qua chốn bụi lầm. Bao nắng mưa phai, lòng chẳng nhạt. Giấc mơ vàng óng tuổi mười lăm (Thiếu nữ trăng rằm). Và đây, anh tả trăng, nhưng không biết là tả mặt trăng hay tả nỗi buồn thiếu phụ: Trăng xanh xao như mặt buồn thiếu phụ. Đón đêm về mở rộng cửa quạnh hiu (Hoài cảm mùa thu). Tả những giọt sương đọng trong những cánh lá tươi: Nghìn lòng tay biết hiện ra. Nâng niu giọt lệ chói lòa ánh dương (Vườn sương sớm) – đây không còn là cảnh sắc trần gian mà đã thấu đạt một “cảnh giới” uyên nguyên tươi trong đến huyền hoặc. Với hoa quỳnh, loài hoa được coi là thanh khiết và được nhắc nhiều trong thơ văn, Bùi Văn Cang cũng đã bày tỏ một “tâm thế” trang trọng, song lộ vẻ quá độ đến mức…sùng kính: Đâu tận một đất trời xa thẳm nọ. Hồn cỏ cây đã hôn phối cùng trăng. Cho tôi thấy nàng quỳnh về cởi áo. Trên bàn tay run rẩy của đêm vàng (Quỳnh nở đêm trăng). Anh những muốn “bốc” những câu thơ lầm lụi của phận người lên đến độ cao sang cho tương xứng với phận hoa! Và cả với nỗi nhớ, anh cũng nhớ vượt xa hơn khuôn khổ cho phép của cõi-người-ta: Nhớ ơi! Một bóng trăng tiền kiếp. Đã rợn bao lần sắc bể dâu (Trăng tiền kiếp). Nhạy cảm đến đau đớn trước những đổi thay dưới mặt đất, anh mượn vầng trăng hằng hữu trên bầu trời làm con mắt chứng nhân là đúng rồi, nhưng đây lại là “trăng tiền kiếp”, làm như thể anh đã từng ở “cõi” đó trở về và thấy “rợn” trước hôm nay…Có khi không cần một khoảng cách thời gian mênh mông – đến độ siêu hình – như thế, ngay trong lòng thực tại hạn hẹp, hình ảnh cây cầu – chỉ qua hai cột mốc ngày và đêm ngắn ngủi, in trong mắt anh đã có sự khác nhau đến nhức nhối: Ngày chịu khói lồng âm tải nặng. Khuya nghe chân mỏi lạnh muôn dòng. Dãy đèn cao áp buồn rưng mắt.Chuỗi chuỗi lệ vàng cắm đáy sông (Khuya bên cầu Trà Khúc). Rõ đây là tả cảnh, nhưng ai cấm được người đọc hình dung là anh đang muốn tả một thứ “tiền kiếp” nào đó của tâm tình mình?

Tất nhiên, Bùi Văn Cang không phải và không thể lúc nào cũng giữ được “khoảng cách” giữa thơ anh với sự cảm nhận của người đọc một cách “an toàn”. Cái chỗ làm anh khác nhiều người khi cũng là chỗ thách thức liệu anh có “rơi” xuống bên này và bên nọ. Ví như khi anh đang ngậm ngùi về mình: Thương tôi ngậm đá tìm vàng. Sàng đi đãi lại cả ngàn giấc mơ – man mác u trầm, gợi tưởng là thế, vậy rồi anh lại tiến tới bi lụy hơn bằng một thực tế sống sít bất cập: Tim đang gõ nhịp bây giờ. Mà hồn cứ ủ bóng xưa phai tàn (Đêm sông lũ tràn bờ). Hai câu lục bát này xa vắng mênh mang lắm: Khuya vàng nhớ áo xưa xanh. Màu sương gió những kinh thành nào xa, bỗng nhiên “bị” anh cho hội ngộ với nỗi vui cạn cợt đời thường: Buổi đi sầu xót quê nhà. Buổi về mộng đã trổ hoa thắm đời (Bài ca tưởng niệm). Dường như ở đây, và trong một số bài thơ khác anh viết những năm sau này, sự phân thân không chỉ đậm nhạt có trong giọng điệu, nó đã lan đến ít nhiều trong nếp nghĩ của một người quá ư nhạy cảm với biển dâu và cũng do vì đã kinh qua quá nhiều biển dâu, nên luôn ở trong tâm thế chỉ muốn làm đầy tràn những gì vơi cạn, nối kết lại những gì dở dang, như một phản xạ  tự cứu chuộc?

Vậy thì, rõ rồi, Bùi Văn Cang, thơ đã và đang từng lúc cứu chuộc phần hồn của anh vậy.

Đến đây, cho tôi nhắc lại một kỷ niệm nhỏ với Bùi Văn Cang mà riêng tôi còn giữ mãi. Tôi vốn học dưới anh ba lớp. Khoảng trước 1975 một, hai năm, do quá độ tuổi để được tiếp tục ngồi ghế nhà trường, sợ bị bắt lính, anh đã phải vào tá túc trong ngôi chùa Tăng Bảo Tự nằm ở ngã tư đường Quang Trung – Võ Tánh (nay là Quang Trung  – Nguyễn Nghiêm), ngày đêm không dám bước chân ra ngoài. Một buổi chiều tôi đi ngang qua đó, thấy anh đứng lấp ló trong sân chùa vẫy tay chào và sau đó ra hiệu cho tôi đến gần. Chúng tôi trò chuyện với nhau qua hàng rào khuôn viên chùa. Anh trao cho tôi một tập thơ mỏng, in ronéo, trình bày đơn sơ, là thơ của anh và một vài người bạn, xong bảo với tôi: Mình thèm thuốc lá quá mà hết thuốc rồi, mình không thể ra ngoài được, cậu chịu khó mua giúp mình rồi đem về chỗ này, mình chờ. Tôi vui vẻ đi ngay. Một lát sau quay trở lại, tôi thấy có nhiều ông quân cảnh đang đứng rải rác quanh chùa, tra xét giấy tờ người qua lại. Tôi chờ mãi không thấy anh, định vào chùa tìm thì một vị sư quen mặt bước ra làm dấu bảo tôi nên đi ngay. Tôi nhìn sâu vào bên trong chùa, nhìn vị sư, nhìn mấy ông quân cảnh một chặp rồi quay đi, lòng cảm thấy buồn quá. Ngó xuống những điếu thuốc xa lạ trên tay mình, tôi định bỏ đi, nhưng rồi không hiểu sao, tôi chọn lấy một điếu đi mồi hút. Những hơi khói đầu tiên trong đời không đến nỗi đắng khét như tôi tưởng mà ngược lại, có một sự kích thích lạ lẫm khó phân giải tôi chưa hề được biết, hệt như những vầng thơ của Bùi Văn Cang mà tôi đang vừa đi vừa cắm cúi đọc cũng gần như là lần đầu tiên trong đời, lúc ấy.

Từ buổi chiều đó, tôi không có dịp gặp anh nữa.

Thay vào đó, thơ ca, như một sự hiện hữu vắng mặt của Bùi Văn Cang, cứ theo ám đời tôi mãi.

Và vì vậy, hôm nay, tôi khuyến khích tôi viết nhỏ một bài này.

Sài Gòn, 12.2006

ĐOÀN VỊ THƯỢNG

Bóng Thời Gian – Thơ Bùi Văn Cang

Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn

( Hết )