TRANH CÃI VỀ ĐỀ XUẤT THU XE CỦA NGƯỜI VI PHẠM GIAO THÔNG

(www.luatsutoancau.com)

Tranh cãi về đề xuất thu xe của người vi phạm giao thông

Nhiều nhà làm luật cho rằng, việc tịch thu phương tiện của lái xe vi phạm nồng độ cồn là xâm phạm quyền sở hữu tài sản của công dân. Trong khi, luật sư Vũ Tiến Vinh khẳng định việc thu phương tiện của người vi phạm là có cơ sở pháp lý.

·                                 Đề xuất tịch thu phương tiện nếu lái xe có nồng độ cồn cao  /  Xe máy đi vào đường cao tốc có thể bị tịch thu

Trao đổi với VnExpress ngày 4/3, ông Lê Hồng Sơn – Cục trưởng Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp – cho rằng, kiến nghị tịch thu phương tiện cần được đối chiếu với Luật Giao thông đường bộ và Nghị định của Chính phủ về xử phạt an toàn giao thông để xem các hành vi vi phạm đó có đáng bị tịch thu phương tiện hay không.

Theo ông Sơn, luật pháp hiện hành áp dụng biện pháp răn đe là tạm giữ phương tiện và phạt tiền. Đề xuất tịch thu phương tiện không thể “dễ dàng thực hiện” vì liên quan quyền sở hữu tài sản đã được Hiến pháp quy định. “Tôi cho rằng văn bản này khi trình lên Chính phủ sẽ không được thông qua một cách dễ dàng”, ông Sơn nói.

Ông Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng nghiên cứu lập pháp của Quốc hội – cho rằng đề xuất tịch thu ôtô nếu lái xe có nồng độ cồn cao của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia là không hợp lý. Bởi về nguyên tắc, xử lý người vi phạm có thể phạt tiền, thậm chí tạm giữ hành chính hay có những biện pháp khác chứ không thể tịch thu tài sản.

“Ôtô là tài sản lớn, hợp pháp của cá nhân chứ không phải là phương tiện gây án. Hơn thế, người vi phạm có thể đi xe mượn của người khác. Người cho mượn xe không vi phạm thì làm sao có thể tịch thu xe của họ”, Viện trưởng Thảo nói.

Còn luật sư Nguyễn Huy Thiệp (Đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định “bản thân đề xuất của Ủy ban an toàn giao thông đã mâu thuẫn”. Nội dung đề xuất này tước giấy phép lái xe thời hạn 24 tháng là một chế tài nhẹ nhưng đi kèm với nó lại là tịch thu phương tiện – chế tài nghiêm khắc vô hạn. Luật sư cho rằng, việc tịch thu phương tiện là xâm phạm quyền tự do sở hữu tài sản của công dân.

“Xưa nay tòa án chỉ ra quyết định tịch thu phương tiện khi người ta dùng nó làm phương tiện phạm tội trong vụ án hình sự. Ngoài tòa án, không có bất cứ cơ quan nào có quyền tịch thu tài sản hay phương tiện của công dân. Quyền tự do sở hữu tài sản đã được Hiến pháp, luật bảo hộ thì căn cứ vào đâu để tước quyền đó của công dân?”, ông Thiệp nêu quan điểm.

Luật sư cũng cho rằng, nếu quy định này được thực thi, không biết sẽ có bao gia đình lâm vào cảnh khốn cùng. Bởi ở Việt Nam, xe máy, ôtô không chỉ là phương tiện giao thông mà còn là phương tiện kiếm sống. Nó là cả một khối tài sản lớn với mỗi gia đình. Ví như một người lái xe ôm, nếu vì lỗi vi phạm này mà tịch thu phương tiện thì cả gia đình họ biết sống bằng gì.

“Chế tài này xuất phát từ lỗi của người điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, phương tiện đó không phải lúc nào cũng thuộc sở hữu của người vi phạm. Vậy người chủ sở hữu thực sự của nó có lỗi gì mà tịch thu tài sản hợp pháp của họ?”, ông Thiệp nói.

Trường hợp thu phương tiện sau đó yêu cầu người điều khiển phải đền bù lại cho chủ sở hữu, theo luật sư, đây cũng là chuyện không tưởng. “Ví như một người lái xe thuê cho cơ quan nhà nước, doanh nghiệp hay cá nhân. Họ sống lay lắt bằng đồng lương thì lấy đâu ra hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng để bồi thường?”, ông Thiệp nêu.

Trong khi đó, luật sư Vũ Tiến Vinh (giám đốc Công ty luật Bảo An) lại cho rằng việc tịch thu phương tiện không vi hiến và cũng không xung đột với các luật hiện hành. Bởi theo ông, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có quy định tại Điều 26 về Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Ví dụ buôn lậu gỗ, buôn lậu thuốc lá khi bị phát hiện sẽ tịch thu xe, trừ trường hợp xác định là người lái xe thuê còn chủ phương tiện gây ra thì xe vẫn bị tịch thu.

Nhiều luật khác cũng có quy định tịch thu tài sản liên quan hành vi của người vi phạm pháp luật. Theo quy định của Bộ luật Hình sự, nếu sử dụng tài sản (có nguồn gốc hợp pháp) vào việc phạm tội thì vẫn bị tịch thu như tội đánh bạc, thậm chí ở một số tội thì người phạm tội còn bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản mà những tài sản này có thể không liên quan đến tội mà họ thực hiện (Tội cướp, Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, Tội cưỡng đoạt tài sản, các tội liên quan đến ma túy…).

“Nếu người ta xây nhà trái phép mà tịch thu xe thì mới là vi hiến. Còn nếu vi phạm luật và tịch thu xe thì không”, ông Vinh nhấn mạnh.

Tại văn bản gửi Chính phủ mới đây về việc cho phép thực hiện một số quy định xử phạt vi phạm hành chính nhằm kéo giảm tai nạn và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia đã đề xuất cho phép các Bộ, ngành, địa phương thực hiện thí điểm một số quy định xử phạt, áp dụng từ ngày 15/3. Cụ thể, nếu có nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở, lái xe ôtô sẽ bị tước giấy phép 2 năm và tịch thu phương tiện, đồng thời phải thi lại Luật giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép. Hình thức xử phạt này áp dụng cho cả người vi phạm điều khiển môtô, xe gắn máy (xe máy điện) và các loại xe tương tự môtô, xe gắn máy.

Bảo Hà – Võ Hải

                                                                                                                                                                                                                                           Theo vnexpress